Chuyện nhân viên bỏ việc là vì không đủ khả năng chịu áp lực và điều phối áp lực

Gần đây có một câu chuyện nữ nhân viên ngân hàng đã phải viết đơn xin nghỉ vì công việc của cô ấy quá áp lực , đến mức không có thời gian dành cho gia đình hay thời gian ăn sáng  1 bữa hoàn chỉnh.Một sếp nữ hiện đang là PGĐ của một ngân hàng tại Hà Nội đã thẳng thắn nói và chia sẻ quan điểm của chị về câu chuyện này.

Theo chị thì làm ở đâu công việc nào cũng có áp lực, ngay cả chị đang làm ở một vị trí cao, khối lượng cũng không hề ít nhưng chị chưa bao giờ nghĩ đến việc nghỉ làm vì áp lực cả.Hơn nữa, cái gì cũng có tính 2 mặt của nó. Và khi mình đơn giản hóa mọi việc thì mọi việc đến với mình cũng sẽ dễ dàng hơn. Còn nếu nói là áp lực thì thực sự, công việc nào cũng áp lực. Nhất là trong thời buổi hiện nay, người người kinh doanh, nhà nhà kinh doanh thì môi trường nào cũng có cạnh tranh và cạnh tranh khốc liệt. Do đó, ngành nghề nào cũng có áp lực, chứ không phải chỉ riêng ngành ngân hàng có áp lực.
“Trường hợp anh bỏ ngân hàng để chuyển sang ngành nghề khác vì cho rằng làm ngân hàng áp lực quá, còn ngành khác không có áp lực thì đó là do anh nhận thức chưa đầy đủ. Bởi khi chuyển sang nghề khác, anh sẽ thấy, nó cũng áp lực không kém, thậm chí còn khốc liệt hơn nhiều” – nữ PGĐ nói.
Theo chị, anh chỉ không cảm thấy áp lực khi anh là ông chủ, bà chủ, anh tiêu tiền của anh, và anh không phải lăn lộn trên thương trường, lăn lộn tồn tại trong cuộc sống.Còn không thì làm ngành nghề nào cũng thấy khó khăn và áp lực vậy thôi.
Tuy nhiên, nếu là người tâm huyết, hết mình vì công việc, anh sẽ tìm được cách giải quyết , biến công việc phức tạp thành đơn giản.
Ví như, khi một nhiệm vụ được giao, anh hãy bình tĩnh để tìm ra mấu chốt của vấn đề. Coi nó như một cái khóa, rồi ta xem, nó vướng mắc ở cái gì. Khi đó, ta mới giải quyết nhanh gọn được vấn đề và tiết kiệm được thời gian cho những việc khác. Đồng thời chăm sóc được gia đình nhiều hơn.
“Còn đối với công việc gia đình, tôi nghĩ người Việt Nam, nhất là các bà mẹ chúng ta đang chăm sóc và bao bọc con cái quá mức. Cái gì cũng làm thay con. Chính vì vậy, nó càng gây áp lực lên người phụ nữ, hay những người làm bố, làm mẹ. Mà như thế cũng không có lợi cho con. Vì được bao bọc quá, con cái sẽ sinh ra tính ỉ lại, cái gì cũng không biết, cái gì cũng không hiểu. Nên khi lớn lên, cháu sẽ rất thiệt thòi.
Với tôi, tôi luôn coi con gái mình như một người bạn. Ngay từ bé, hay bất cứ khi nào có thời gian bên nhau, làm bất cứ việc gì tôi cũng nói với con và giải thích cho con hiểu, vì sao mẹ lại làm như vậy, và mẹ làm nó như thế nào?
Khi chở con ngoài đường, tôi cũng luôn giải thích, vì sao mẹ đi chỗ này mà không đi chỗ kia, vì sao mẹ không vượt chỗ này, vì sao mẹ không vượt chỗ kia, nếu vượt chỗ này thì chuyện gì sẽ xảy ra, nếu vượt chỗ kia thì chuyện gì sẽ xảy ra….
Bên cạnh đó, tôi cũng luôn xác định, cuộc đời của cháu, tôi sẽ để cháu tự quyết định, tự lựa chọn chứ không áp đặt hay cấm đoán. Tôi chỉ định hướng cho cháu xem cái gì là đúng, cái gì là sai. Cách ứng xử và kỹ năng sống như thế nào. Còn tất cả những việc con giải quyết được, tôi luôn để con tự giải quyết để con có trách nhiệm với mình và với công việc của mình.
Vì thế, tuy mới là học sinh lớp 9, nhưng cháu tự lập và chín chắn lắm. Đến mức, nhiều lúc tôi giật mình rằng, cháu còn suy nghĩ chín chắn hơn cả tôi. Do đó, cháu luôn khiến tôi yên tâm mỗi khi tôi quá bận rộn với công việc, và luôn biết cảm thông với tôi…” – chị kể.
Trờ lại câu chuyện nữ nhân viên bỏ việc vì không chịu được áp lực thì chị cho rằng bên cạnh vấn đề năng lực thì điều chính yêu là nữ nhân viên này đã không đủ bình tĩnh để xác định vấn đề và cần phải giải quyết. Do vậy các chuyện, vấn đề không phù hợp từ đó sảy ra việc rối tung mọi việc và điều gì đến sẽ đến, việc cơ quan không xong việc nhà thì chẳng có thời gian.

“Còn trường hợp con ốm con đau, thì ở cơ quan nào cũng có tính nhân văn của nó. Chưa có cơ quan nào, nhất là trong ngành ngân hàng mà nhân viên xin nghỉ vì con ốm vì con đau mà cơ quan không cho nghỉ” – nữ PGĐ nói.